Xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan có hưởng lợi khi cầu vượt cung?
Trong bối cảnh nhu cầu gạo tiêu thụ gạo của thế giới tăng trưởng khá ổn định trong khi nguồn cung niên vụ 2022 - 2023 có thể giảm, Yuanta dự báo Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo được hưởng lợi chính
Báo cáo ngành gạo của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết nhu cầu gạo tiêu thụ gạo của thế giới tăng trưởng khá ổn định trong khi nguồn cung niên vụ 2022 - 2023 có xu hướng giảm do yếu tố thời tiết.
Cụ thể, thời tiết bất lợi làm giảm dự báo sản lượng gạo 2022-2023 cho Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Trong khi, tổng nguồn cung xuất khẩu gạo của ba nước này chiếm 49% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả thế giới.
(Nguồn: Yuanta)
Điều này khiến các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh sẽ phải chịu áp lực về sản lượng và giá.
Bởi, Trung Quốc bị hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh khiến giảm sản lượng gạo và dự kiến sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục khoảng 6 triệu tấn niên vụ 2022-2023; Philippines tăng dự trữ gạo cho an ninh lượng thực; Bangladesh bị lũ lụt làm giảm năng suất.
Yuanta dự báo giá gạo trong niên vụ 2022-2023 có thể đi lên vì nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới ổn định trong khi nguồn cung có thể giảm trong vài năm tới.
Trước xu hướng này, Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo được hưởng lợi chính. Tuy nhiên, Thái Lan có thế mạnh hơn Việt Nam do đồng baht Thái đã mất giá mạnh nhất 15 năm so với USD, tạo sức cạnh tranh về giá.
Theo Yuanta, tình hình sản xuất gạo ở Thái Lan khá ổn định về cả sản lượng sản xuất, diện tích gieo trồng. Năng xuất ít cải thiện do nước này ưu tiên nâng cao chất lượng gạo để giá bán tốt hơn. Từ 2018 đến nay, Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường phát triển, đặc biệt Mỹ để có mức giá tốt hơn.
Tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Thái Lan (Nguồn: Yuanta)
Niên vụ 2022-2023, Yuanta sản lượng gạo của Thái Lan sẽ đạt 20 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2021-2022 nhờ hiện tượng thời tiết La Nina đã bổ sung lượng nước lớn cho nông dân trồng lúa ở Thái Lan.
Sự suy yếu của đồng baht Thái Lan đã khiến giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trở nên hấp dẫn và cạnh tranh. USDA cũng dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 ở mức 8 triệu tấn, tăng 31% so với năm 2021.
Tương tự như Thái Lan, Việt Nam cũng dần giảm diện tích canh tác lúa và tập trung vào cải thiện chất lượng gạo để có mức giá xuất khẩu cạnh tranh.
Thống kê của USDA cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 6/2016 đến tháng 2/2021 luôn thấp hơn Thái Lan. Song đến từ tháng 2/2021, cục diện đã bắt đầu đảo chiều.
Còn về sản lượng xuất khẩu gạo đi xuống do Việt Nam giảm bán sang các nước như Philippines, Malaysia, Indonesia (năm 2013, 2016) và Trung Quốc tăng các rào cản với gạo nhập khẩu từ năm 2018.
Tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam (Nguồn: Yuanta)
Yuanta cho rằng sản lượng sản xuất lúa gạo trong niên vụ 2022-2023 khá tích cực nhờ thời tiết thuận lợi, các vùng trồng lúa trọng điểm không bị hạn hán hay mưa bão.
8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ NN&PTNT dự báo Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn vào năm 2022, tăng 5 - 8% so với năm 2021.
Nguồn: vietnambiz
Xem thêm