Nông nghiệp Việt Nam trước cơ hội gia tăng giá trị từ các phụ phẩm lúa gạo
Cám gạo là mặt hàng được cho là không có giá trị cao, nhưng nếu sử dụng kỹ thuật để chiết xuất các tinh chất có giá trị về mặt dinh dưỡng và sức khỏe, giá trị gia tăng mang lại có thể nâng lên gấp hàng nghìn lần.
Theo ông Murai Hiromichi, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Oryza Oil & Fat Chemical có trụ sở tại tỉnh Nagoya, lượng dầu gạo tách chiết ra từ cám mang lại giá trị 320-350 USD/tấn, còn các hợp chất lấy ra sau khi tách chiết dầu được sử dụng trong 70 sản phẩm dinh dưỡng và làm đẹp, mang lại giá trị hàng nghìn USD/tấn cám.
Dầu gạo là sản phẩm được ưa chuộng tại Nhật Bản và các nước phát triển, chứa nhiều hợp chất hữu ích cho cơ thể, giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa ung thư, các bệnh về tim mạch cũng như giảm béo. Nhiều công ty tại Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã tận dụng cám gạo sau khi chiết xuất dầu để tách các hợp chất quý dùng trong dược phẩm và mỹ phẩm. Đây là các hợp chất thiên nhiên, ít tác dụng phụ, được sử dụng để sản xuất ra các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, bổ não, chống ung thư, chống viêm, đặc biệt là thuốc tăng trưởng chiều cao có thành phần từ axit ferulic và gama-oryzanol được bán khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính, một tấn cám có thể mang lại giá trị 2.000-3.000 USD hoặc thậm chí cao hơn nếu được tận dụng triệt để.
Trực tiếp thị sát tại nhà máy sản xuất của Oryza Oil & Fat Chemical, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Trần Thanh Nam đánh giá kỹ thuật của công ty Nhật Bản đã mang lại giá trị gia tăng rất cao cho cây lúa. Từ kinh nghiệm của công ty Nhật Bản, có thể thấy việc ứng dụng kỹ thuật để tách chiết các sản phẩm có giá trị về mặt dinh dưỡng và sức khỏe từ cám gạo có thể là chìa khóa để giải đáp vấn đề làm thế nào giúp người nông dân trồng lúa ở Việt Nam có thể làm giàu.
Năm 2021, Việt Nam sản xuất khoảng 44 triệu tấn gạo, đồng thời sẽ cho ra khoảng 8 triệu tấn cám gạo. Lượng cám gạo này nếu đem sản xuất dầu gạo sẽ mang lại thêm tối thiểu 320 USD/tấn ngoài 500 USD/tấn từ xuất khẩu gạo. Phụ phẩm sau khi chiết xuất dầu nếu đem tách chiết ra thuốc tăng chiều cao, mỹ phẩm, chống ung thư, điều trị huyết áp… sẽ mang lại giá trị hàng nghìn USD/tấn.
GS Trần Đăng Xuân tại Đại học Hiroshima cho rằng quan niệm nông sản mang giá trị cao không chỉ nằm ở độ ngon, độ an toàn, nguồn gốc sản phẩm mà nên hướng tới tạo ra các nông sản giảm khí methane, giảm khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính bằng cách cải tiến phương pháp canh tác và phân bón hữu cơ. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu cũng như hợp tác với Nhật Bản và các nước phát triển đã sẵn có kinh nghiệm để sớm tận dụng các giá trị quý trong phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo.
Nhóm các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản như Giáo sư Trần Đăng Xuân và Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân đã tách chiết thành công hai hợp chất quý momilactone A và B từ vỏ trấu và cám gạo. Đây là hai hợp chất có nhiều tính năng quý như chống tiểu đường, chống béo phì, bệnh gút, cao huyết áp, đặc biệt là khả năng chống ung thư máu cao hơn một số thuốc chữa ung thư hiện tại như doxorubicin và asernic trioxide (ATO). Hai hợp chất này hứa hẹn sẽ giúp nâng cao giá trị của lúa gạo hơn nữa.
Nguồn: Đức Thịnh (P/v TTXVN tại Tokyo)
Xem thêm